Phụ thuộc nhiều nguồn nhập khẩu
Theo Chủ tịch HÐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần may Ðồng Nai Bùi Thế Kích, doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng theo phương thức FOB (mua đứt bán đoạn) lên đến 95%, do đó khó khăn đối với DN này chính là việc tìm được nguyên phụ liệu phù hợp. Ðây cũng là khó khăn chung mà hầu hết các DN may Việt Nam gặp phải. Hiện Công ty cổ phần may Ðồng Nai mới chỉ sử dụng 45 đến 50% vải nguyên liệu và 60 đến 70% phụ liệu trong nước, còn lại phải nhập khẩu nước ngoài. Mặc dù, trong nước đã sản xuất nhiều loại nguyên phụ liệu dệt may nhưng cơ bản các DN dệt vẫn chưa đáp ứng yêu cầu khách hàng cả về số lượng và chất lượng hàng cao cấp để làm những đơn hàng xuất khẩu.
Giống như Công ty cổ phần may Ðồng Nai, Tổng công ty may Nhà Bè – công ty cổ phần cũng phải nhập khẩu tới 50% nguyên phụ liệu từ nước ngoài. Công ty chỉ sử dụng chỉ khâu của Phong Phú, dây kéo của Công ty cổ phần phụ liệu may Nha Trang hay của Công ty TNHH YKK Việt Nam…, phần còn lại vẫn phải nhập khẩu. Không chỉ May Nhà Bè mà nhiều DN may khác đều có nhu cầu mua nguyên phụ liệu trong nước bởi nếu mua được nguyên liệu trong nước thì DN sẽ tiết kiệm được chi phí và thời gian, nhất là bảo đảm đúng thời gian giao hàng cho các đối tác. Trong nhiều trường hợp, công ty phải thực hiện những đơn hàng rất gấp, nếu mua nguyên liệu ở nước ngoài, DN phải mất chi phí cử người sang tận nơi đàm phán hợp đồng, chưa kể khi hàng về Việt Nam thì làm thủ tục hải quan nhập khẩu thường mất nhiều thời gian, hàng về không kịp, ảnh hưởng đến cả đơn hàng. Tổng Giám đốc Phạm Phú Cường nhấn mạnh, DN xuất khẩu được hàng ra nước ngoài, đem ngoại tệ về, nếu không phải sử dụng số ngoại tệ đó để mua lại nguyên phụ liệu thì sẽ đem lại nhiều giá trị gia tăng hơn cho sản phẩm xuất khẩu.
Cùng chung quan điểm này, Chủ tịch HÐQT Công ty cổ phần may Hồ Gươm Ninh Thị Ty cho biết, tỷ lệ làm hàng FOB chiếm 40% còn lại DN làm gia công xuất khẩu. Vải trong nước sản xuất chỉ được khách hàng nước ngoài chấp nhận may lót áo do khâu nhuộm, hoàn tất chưa bảo đảm nên chất lượng vải rất khó đáp ứng được yêu cầu từ phía nước ngoài.
Không chỉ các DN may, các DN sợi cũng đều phải nhập khẩu phần lớn nguyên liệu. Theo Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần Phong Phú Phạm Xuân Lập, DN này có quy trình sản xuất từ kéo sợi, dệt vải, nhuộm hoàn tất và may. Phong Phú phải nhập khẩu 95% nguyên liệu bông để kéo sợi phục vụ cho sản xuất vải, đáp ứng nhu cầu của Tổng công ty làm các sản phẩm may mặc và bán vải ra thị trường.
Phát triển cây bông vải và xơ sợi tổng hợp
Theo báo cáo mới đây của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, bông là nguyên liệu chính cho ngành dệt may, nhu cầu sử dụng bông hằng năm của nước ta khoảng hơn 400 nghìn tấn và ngày càng tăng, tuy nhiên nguyên liệu này trong nước mới chỉ đáp ứng sản lượng rất nhỏ từ 1 đến 2%, còn lại vẫn phải nhập khẩu. Năm 2011, ngành sợi sử dụng 330 nghìn tấn bông, trong đó bông trong nước mới đáp ứng 1,52%; 400 nghìn tấn xơ trong đó xơ trong nước sản xuất đạt 30%. Vinatex xác định phát triển cây bông vải là mục tiêu cơ bản nhằm tự túc một phần nguyên liệu chính cho ngành dệt may.
Theo Trưởng ban Kỹ thuật công nghệ Vinatex Phạm Văn Tuyên, cây bông sống nhờ nước trời nên năng suất không ổn định. Ở một số vùng trồng bông thời gian qua diện tích cũng như năng suất bông không tăng đáng kể, có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do cây bông thấp cho năng suất thấp nên hiệu quả kinh tế mang lại cho người trồng chưa cao; quy mô sản xuất bông ở Việt Nam còn phân tán, nhỏ lẻ trong hộ nông dân, chưa có vùng trồng tập trung lớn cho nên khó áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật đồng đều để nâng cao năng suất và chất lượng. Chương trình phát triển cây bông vải đến năm 2015 định hướng đến năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt khẳng định bông vẫn sẽ là nguồn nguyên liệu quan trọng cho việc duy trì và phát triển ngành kéo sợi nói riêng và ngành dệt may Việt Nam nói chung. Do đó, phát triển cây bông vải nhằm đẩy mạnh cung cấp nguyên liệu bông xơ sản xuất trong nước cho ngành dệt may Việt Nam, từng bước tăng tỷ trọng nguyên phụ liệu nội địa trong cơ cấu giá thành sản phẩm, nâng giá trị gia tăng hàng sợi vải, may mặc sản xuất trong nước, giảm nhập siêu, góp phần tạo điều kiện cho ngành dệt may Việt Nam tăng trưởng và phát triển ổn định… Mục tiêu của Chương trình này là đến năm 2015, diện tích trồng bông là 30 nghìn ha, định hướng đến năm 2020 tăng lên 76 nghìn ha.
Phó Tổng Giám đốc Vinatex Phạm Nguyên Hạnh đánh giá, sau gần hai năm thực hiện Quyết định của Thủ tướng, diện tích trồng bông cả nước tăng dần, vụ bông 2010-2011 diện tích đạt 10.470 ha, tăng hơn vụ trước 12%, vụ bông 2011-2012 diện tích đạt 11.260 ha, tăng hơn vụ trước 7,5%, sản lượng bông xơ chế biến đạt 4.864 tấn, tăng hơn vụ trước 170 tấn. Mặc dù vậy, hiện tại diện tích trồng bông của cả nước chỉ bằng 37% mục tiêu đề ra cho năm 2015. Ngành đã tập trung thử nghiệm và phát triển bông trang trại cơ giới hóa, chủ động tưới tiêu nhưng kết quả đạt được còn rất hạn chế. Ðến nay, mới có hai trang trại mẫu là trang trại ở xã Phong Phú, huyện Tuy Phong (Bình Thuận) diện tích 54,8 ha và trang trại mẫu 20 ha tại huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) của Viện bông Nha Hố.
Theo Phó Tổng Giám đốc Phạm Nguyên Hạnh, năm 2011, ngành dệt may phải bỏ ra 1,1 tỷ USD để nhập khẩu bông và 6,6 tỷ USD để nhập khẩu vải các loại (chiếm 70% kim ngạch nhập khẩu của toàn ngành), do đó, việc phát triển nguyên liệu cho ngành là mục tiêu mà ngành dệt may hướng tới. Ðể phát triển ngành bông theo mục tiêu đề ra, cần khắc phục những tồn tại về tập quán sản xuất phân tán, manh mún, nhỏ lẻ, chưa thành vùng sản xuất bông tập trung lớn; hệ thống thủy lợi chưa phù hợp việc tưới tiêu cho cây bông; giá mua bông chưa hấp dẫn; việc đầu tư thâm canh tăng năng suất, cơ giới hóa còn hạn chế cho nên chưa cạnh tranh được so các loại cây như ngô, sắn…; năng suất bông vải thấp chỉ đạt 1,2 tạ/ha và có chiều hướng giảm do diện tích trồng nghèo dinh dưỡng. Một trong những khó khăn trong việc phát triển bông trang trại là thiếu quỹ đất, đặc biệt lại cần lượng vốn lớn, khoảng gần 34 nghìn tỷ đồng để cải tạo đất, đầu tư kỹ thuật, thiết bị, cơ giới hóa… Trong khi đó, các đơn vị ngành bông chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu tiên cho Chương trình phát triển cây bông. Do đó, các bộ: Công thương, Tài chính cần sớm phê duyệt cơ chế tài chính cho ngành bông theo Quyết định số 29/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tạo điều kiện cho Vinatex và các DN sản xuất kinh doanh bông có cơ sở triển khai thực hiện. Không chỉ vậy, UBND các tỉnh có tên trong Quyết định này cũng cần xem xét phê duyệt quy hoạch vùng trồng bông, quy hoạch đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi. Ðồng thời các bộ, ngành nghiên cứu, ban hành cơ chế chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng nghèo, rừng kiệt sang trồng bông có tưới.
Bên cạnh việc phát triển cây bông, Vinatex cũng triển khai các dự án sản xuất xơ visco, chủ yếu từ nguồn nguyên liệu là bột gỗ bạch đàn và keo lai tai tượng, vốn đang được trồng nhiều ở Việt Nam. Từ đó, có thể chủ động khoảng 30% nhu cầu nguyên liệu sản xuất các mặt hàng vải pha visco để tạo các loại vải thời trang.
Cùng với việc phát triển vùng nguyên liệu, Vinatex và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam phối hợp xây dựng Nhà máy xơ sợi Ðình Vũ (Khu kinh tế Ðình Vũ, Hải Phòng) có công suất 500 tấn/ngày, dự kiến tháng 7-2012 đi vào hoạt động thương mại sẽ cung ứng cho ngành dệt may mỗi năm 175 nghìn tấn xơ sợi tổng hợp, đáp ứng 40% nhu cầu về xơ sợi cho ngành dệt may trong nước, nâng mức chủ động về nguồn cung xơ sợi nội địa lên 70%. Vinatex còn triển khai xây dựng bốn Khu công nghiệp (KCN), Cụm công nghiệp (CCN) dệt, nhuộm tại các tỉnh Ninh Bình, Nam Ðịnh, Long An và Trà Vinh nhằm thu hút DN trong và ngoài nước đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành dệt may; giai đoạn 2012-2015 tiếp tục xây dựng các KCN, CCN dệt, nhuộm tại tỉnh Tiền Giang, Vinatex làm hạt nhân triển khai dự án xây dựng hai trung tâm nguyên phụ liệu tại thành phố Hồ Chí Minh và xúc tiến khảo sát dự án đầu tư vùng nguyên liệu trồng bông với diện tích từ 3.000 đến 4.000 ha tại huyện Lệ Thủy (Quảng Bình).
Cơ hội đầu tư phát triển sản xuất nguyên liệu cho ngành dệt may bắt đầu thu hút DN, Chủ tịch HÐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần sợi Thế kỷ Ðặng Triệu Hòa cho biết, DN đã quyết định đầu tư mở rộng để nâng năng lực sản xuất sợi polyeste filament, một trong những nguyên liệu dệt vải có tính bền cao, chống nhăn. Hiện nay, mỗi năm công ty cung cấp ra thị trường 35 nghìn tấn sợi; tháng 5 vừa qua, Tập đoàn ITOCHU (Nhật Bản) triển khai dự án đầu tư nhà máy kéo sợi chất lượng cao sử dụng dệt vải cao cấp tại Khu công nghiệp Bảo Minh (Nam Ðịnh), dự kiến nhà máy này sẽ đi vào hoạt động giữa năm 2013.
(Nguồn: vietnamtextile.org.vn)